16/12/2020 | 2159 |
1 Đánh giá

Tại Quảng Nam, mô hình trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi vụ Hạ Thu 2014, năng suất ngô đạt từ 5,3-7 tấn/ha. So với trồng lúa cùng vụ cho thu nhập tăng thêm 1,8-2,6 lần. Tuy nhiên, người nông dân lại không mấy mặn mà.

Việt Nam Là Quốc Gia Nông Nghiệp,

Nhưng Mỗi Năm Vẫn Đang Phải Nhập 3 Triệu Tấn Ngô

Tại Quảng Nam, mô hình trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi vụ Hạ Thu 2014, năng suất ngô đạt từ 5,3-7 tấn/ha. So với trồng lúa cùng vụ cho thu nhập tăng thêm 1,8-2,6 lần. Tuy nhiên, người nông dân lại không mấy mặn mà.

Hiện nay, ngô là cây trồng thứ 2 ở Việt Nam nhưng lại đang trong tình trạng thiếu trầm trọng, số lượng nhập khẩu về ngày một tăng. Mỗi năm, Việt Nam đang nhập trung bình khoảng 3 triệu tấn ngô. Ở mặt ngược lại, lúa – cây nông nghiệp số 1 Việt Nam thì đang mất dần giá trị, sản lượng dư thừa nhưng xuất khẩu ngày một kém.

Để giải bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng ngô. Từ vụ hè thu năm nay (2016), người dân trồng ngô được hỗ trợ tới 3 triệu đồng/ha.

Thực nghiệm ban đầu cho thấy, trồng ngô mang lợi nhuận cao gấp gần 3 lần trồng lúa. Tuy nhiên, để thuyết phục người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang ngô là một bài toán khó.

Ông Ma Quang Trung – Cụ trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ lý giải điều này:

– Xin chào ông, mới đây, Bộ NN&PTNT triển khai chuyển đổi trồng lúa cho hiệu quả thấp sang trồng cây khác. Ông có thể nói rõ hơn về chính sách này?

– Theo kế hoạch đã được Chính phủ duyệt, từ nay tới năm 2020, ngành nông nghiệp phải chuyển đổi 700.000 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Trong đó, 300.000 ha tập trung ở ĐBSCL còn lại ở các khu vực khác.

Chủ trương chuyển đổi trồng lúa cho hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả cao hơn là giải pháp thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa của Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị sử dụng đất trồng lúa, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hiện nay, sản lượng cây lương thực có hạt khoảng trên 45 triệu tấn, nhưng dưa thừa đến 7-8 triệu tấn/năm, phần lớn là gạo.

Trong khi đó, thị trường gạo thế giới lại không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu khi nhu cầu thế giới khoảng 30 triệu tấn gạo/năm thì Việt Nam xuất khoảng 6,5- 7 triệu tấn gạo, còn lại là Thái Lan, Ấn Độ…

Từ đó Chính phủ có chủ trương chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, đặc biệt ở những vùng trồng bấp bênh, chuyển sang các cây ít cần nước hơn, chịu được hạn như: ngô, vừng, mè, đậu, lạc, rau…

Qua đó, sẽ giảm sản lượng lúa nhưng tăng giá trị, đồng thời giảm sức ép về việc nhập khẩu các loại lương thực khác vào Việt Nam.

– Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thời gian qua có hiệu quả ra sao? Những cây trồng nào được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, thưa ông?

– Nhìn chung, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả cao cho nông dân do sử dụng những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến nguồn nước.

Tại các tỉnh phía Bắc, thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Một số mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Ví dụ việc chuyển đổi sản xuất lúa sang trồng dưa lê cao sản tại Giao Thiện, Giao Thủy (Nam Định) năm 2015. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ việc trồng dưa lê cao sản đạt 140 triệu đồng/ha, cao gấp 8-10 lần trồng lúa.

Tại Phú Thọ, mô hình chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu các loại cho hiệu quả kinh tế từ 250-270 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa ( hồng, cúc, lay ơn) cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-6 lần.

Kết quả các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có lợi nhuận từ 1,5-3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng năm trung bình 100 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Hay như tại Quảng Nam, mô hình trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi vụ Hạ Thu 2014, năng suất ngô đạt từ 5,3-7 tấn/ha. So với trồng lúa cùng vụ cho thu nhập tăng thêm 1,8-2,6 lần.

Bộ cũng đặc biệt chú trọng đến cây ngô. Vì hiện nay, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn ngô trong khi sản xuất ngô vẫn là lương thực có hạt, nên tổng sản lượng lương thực sẽ không giảm nhiều.

– Không phải đến bây giờ cây ngô mới được đề cao khi diện tích canh tác hiện gần 1,2 triệu ha. Vì sao Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ đồng để nhập khẩu ngô?

– Phải thừa nhận, mặc dù Việt Nam có gần 1,2 triệu ha ngô nhưng vẫn phải nhập khẩu rất nhiều.

Thực tế, việc chuyển đổi đang gặp nhiều khó khăn do ngô nhập từ nước ngoài vào Việt Nam đang rẻ hơn ngô sản xuất trong nước khoảng 1.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là do họ sản xuất hoàn toàn cơ giới hóa, năng suất cao, chi phí rẻ. Như Mỹ năng suất 10 tấn/ha, còn Việt Nam chỉ bằng một nửa. Điều này khiến đầu ra của ngô gặp nhiều khó, không khuyến khích người trồng ngô.

Việt Nam Là Quốc Gia Nông Nghiệp

Có thể nói, chính sách của chúng ta đã rất trúng nhưng vấn đề chuyển đổi là bài toán khó. Khi chuyển đổi sang cây ngô, chúng ta phải giải quyết được các vấn đề kéo theo như giá cả, đầu ra và đảm bảo thu nhập của người dân.

Chứ cứ để nông dân mỗi nhà một mảnh ruộng nhỏ thì không bao giờ chúng ta cơ giới hóa được.

Nếu mỗi nông dân trồng một ít sẽ rất khó kiểm soát được vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cây trồng như lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu, tồn dư hóa chất, chất bảo quản… Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp rất khó mua, khó khăn cho đầu ra sản phẩm.

Được biết trồng ngô cho lợi gấp 3 lần trồng lúa, lại được Chính phủ hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, nhưng vì sao bà con vẫn chưa mặn mà?

– Một số địa phương đặc biệt là ĐBSCL, lúa là cây trồng có lợi thế và là nghề lâu đời của nông dân. Việc chuyển đổi từ tròng lúa nước sang trồng cây hàng năm khác còn mới. Còn một số nơi bà con nông dân chưa có tập quán và kinh nghiệm.

Mặt khác, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang ngô còn thiếu liên kết với doanh nghiệp, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo, tạo tâm lý không an tâm cho người sản xuất. Nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp cũng khó có thể tổ chức thu mua sản phẩm.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hiện tại, nhất là thủy lợi chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, chuyển đổi sang cây trồng cạn cần phải có sự điều chỉnh và đầu tư thêm chi phí cho việc tiêu thụ thoát nước.

Hiện nay, việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ. Ngoài ra, hệ thống chính sách hiện tại chủ yếu là phục vụ, khuyến khích sản xuất lúa. Vì thế, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cần có hệ thống chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân chuyển đổi có hiệu quả và bền vững.

– Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

– Để làm được việc này cần phải tổ chức lại sản xuất: dồn điền đổi thừa, áp dụng cơ giới hóa cho cây ngô nhằm giảm chi phí vật tư, sản xuất.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò của hợp tác xã trong việc quản lý, giám sát sản xuất trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã cũng là đơn vị đứng ra kết nối doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo những điều khoản, cam kết trong hợp đồng hợp tác.

Mặc dù Việt Nam có nhiều giống ngô mới, năng suất cao nhưng phần lớn là giống ngoại nhập, giá cao. Do đó, cần phải nghiên cứu ra những giống ngô tốt trong nước, góp phần giảm giá thành, cho năng suất cao.

Từ vụ hè thu năm nay, Chính phủ đã hỗ trợ tới 3 triệu ha trồng ngô. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tuyên truyền để bà con đạt được tinh thần trên, cũng kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn cần các chính quyền ở các địa phương phải thực sự vào cuộc, giúp bà con nông nắm được tinh thần này cũng như hỗ trợ, liên kết với họ để tạo ra nguồn giá trị mới.

Cảm ơn ông!

Mỹ Lana

Theo Trí Thức Trẻ

Địa chỉ trụ sở: 1086 Xa Lộ Hà Nội, Khu phố 5, Phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 1: K
hu Công nghiệp Nhơn Trạch 6, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 2: 
 KCN Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.
Sđt: 0251 887 1409

Email: info@thongquan.com.vn


(*) Xem thêm

Bình luận
0