06/05/2022 | 902 |
0 Đánh giá

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký Quyết định số 702/QĐ-TCHQ ngày 29/4/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) của Tổng cục Hải quan.

Hiệp định RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN (bao gồm: Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philipines, Singapore, Thái Lan) và 5 đối tác của ASEAN (bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Ngày 06/7/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP phê duyệt Hiệp định RCEP, với kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngày 04/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Để triển khai Quyết định 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 195/QĐ-BTC ngày 22/02/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện RCEP của Bộ Tài chính. Theo Quyết định của Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm xây dựng và chi tiết hóa các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình căn cứ theo Phụ lục Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Hiệp định.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định RECP của Tổng cục Hải quan được ban hành nhằm cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về việc thực hiện các cam kết liên quan đến lĩnh vực hải quan theo Hiệp định RCEP một cách đầy đủ và hiệu quả. Kế hoạch sẽ được triển khai trong năm 2022 và xuyên suốt quá trình thực thi Hiệp định với các nhóm nhiệm vụ quan trọng sau:

Một là, tuyên truyền, phổ biến các cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan theo Hiệp định. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan cho các cơ quan quản lý cấp trung ương, cơ quan thực thi tại địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; tập huấn cho các cán bộ tại các đơn vị nghiệp vụ, cán bộ thực thi tại cửa khẩu về các cam kết cụ thể để đảm bảo việc thực hiện đúng, đầy đủ nội dung cam kết; cung cấp nội dung thông tin giới thiệu về cam kết và việc thực thi các cam kết có liên quan đến hải quan trong RCEP cho Bộ Công Thương để đưa lên Cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam.

Hai là, xây dựng pháp luật, thể chế. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Nghị định ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt theo RCEP; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động thực hiện các cam kết thuộc lĩnh vực hải quan theo Hiệp định (Chương 3, 4, 11) hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định.

Ba là, triển khai các cam kết cụ thể liên quan tại Hiệp định. Cụ thể là triển khai các nội dung cam kết về quy tắc xuất xứ, thủ tục kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa vận chuyển qua biên giới (Chương 3 và Chương 11); Triển khai các nội dung cam kết về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại tại Chương 4 của Hiệp định; Minh bạch thông tin (Điều 4.5); Điểm hỏi đáp (Điều 4.6); Thủ tục hải quan (Điều 4.7); Kiểm tra trước khi giao hàng lên tàu (Điều 4.8); Xác định xuất xứ hàng hóa (Điều 4.10); Giải phóng hàng hóa (Điều 4.11); Xử lý trước khi hàng đến (Điều 4.9); Xác định trước về mã số và trị giá (Điều 4.10); Ứng dụng công nghệ thông tin (Điều 4.12); Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp ưu tiên (Điều 4.13); Quản lý rủi ro (Điều 4.14); Các lô hàng chuyển phát nhanh (Điều 4.15); Kiểm tra sau thông quan (Điều 4.16); Nghiên cứu thời gian giải phóng hàng (Điều 4.17); Thủ tục rà soát và khiếu nại (Điều 5.5); Hợp tác hải quan (Điều 4.19);

Bốn là, triển khai các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác thực thi, theo dõi việc triển khai Hiệp định. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ cử đại diện tham gia Ủy ban hỗn hợp thực thi RCEP, Ủy ban hàng hóa, các tiểu ban, nhóm công tác theo phân công, cử các đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin và liên lạc đối với nội dung liên quan; Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tập huấn cho cán bộ hải quan và doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP; Tổ chức triển khai, theo dõi tiến độ, lộ trình thực thi Hiệp định; là đầu mối tiếp nhận, tư vấn trả lời các câu hỏi, vướng mắc và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi các cam kết thuộc phạm vi theo dõi của Tổng cục Hải quan; phối hợp xây dựng báo cáo đánh giá tác động của việc thực thi các cam kết trong Hiệp định; Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước thành viên trong thực thi cam kết tại Hiệp định RCEP đối với các lĩnh vực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ.

Căn cứ Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 702/QĐ-TCHQ, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan sẽ chủ động triển khai các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đầy đủ cam kết trong Hiệp định RCEP.

NGUỒN: TỔNG CỤC HẢI QUAN

Địa chỉ trụ sở: 1086 Xa Lộ Hà Nội, Khu phố 5, Phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 1: K
hu Công nghiệp Nhơn Trạch 6, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 2: 
 KCN Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.
Sđt: 0251 887 1409

Email: info@thongquan.com.vn


(*) Xem thêm

Bình luận
0