Hãy cùng Thông Quan Logistics điểm qua một vài tin nổi bật về Logistics trong thời gian vừa qua!
TIN QUỐC TẾ
FIATA Head Quarter Meeting 2022
Theo thông báo từ Fiata, sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại TP Geneva, Thuỵ Sĩ từ ngày 17-20/05/2022. Hội viên VLA quan tâm có thể đăng ký tham gia họp trực tuyến.
Chuỗi Hội thảo Chuyên đề về thị trường vận tải hàng hải
Fiata phối hợp cùng Global Supply Chain Classroom tổ chức Chuỗi hội thảo Chuyên đề trực tuyến với chủ đề “ Cấu trúc thị trường và Cạnh tranh trong vận tải hàng hải”. Hội thảo sẽ cung cấp những phân tích, góc nhìn chuyên sâu về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Chuỗi Hội thảo gồm 3 phiên: Phiên thứ 1 diễn ra vào ngày 28/04/2022, phiên thứ 2 sẽ diễn ra vào 10/05 và phiên cuối cùng sẽ diễn ra vào 20/05/2022.
Cảng Durban hoạt động trở lại
Cảng Durban - cảng có lượng hàng lớn nhất tại khu vực Châu Phi đang từng bước quay trở lại hoạt động sau khi bị tàn phá bởi lũ lụt. Hàng ngàn containers bị kẹt tại cảng sẽ được giải phóng trong 5-7 ngày nữa với công suất hoạt động được nâng lên 60 đến 100%. Theo thông tin từ Reuters, đợt lũ lụt kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng 440 người, hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi và ước tính con số thiệt hại lên đến gần 675 triệu USD. Đây được xem như là đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong khu vực trong rất nhiều năm qua.
Trung Quốc chỉ đạo khôi phục dịch vụ container lạnh tại cảng Thương Hải
Giải tỏa ách tắc cho hàng từ châu Á: Ngày 18/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trung Quốc đã ra lệnh khôi phục hoạt động vận chuyển hàng lạnh và giải phóng container lạnh tồn đọng ở cảng Thượng Hải vì tình trạng tắc nghẽn kéo dài đang gây ra những quan ngại lớn về chuỗi cung ứng. Theo đó, Cơ quan giao thông vận tải của Thượng Hải cần phối hợp với các đối tác của họ ở các tỉnh khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng lạnh nhằm giải phóng kho dự trữ đã quá tải trong cảng và đang đẩy chi phí lưu hàng, đặc biệt là chi phí bảo quản lên cao.
Giá cước vận chuyển Á - Âu giảm nhẹ
Giá cước container châu Á - Bắc Âu về giao hàng nhanh vẫn đang giảm, các hãng vận tải biển hiện đang vận động các chủ hàng nhỏ ký kết những hợp đồng ngắn hạn trong vòng ba tháng. Tất cả các chỉ số Châu Á - Bắc Âu phản ánh sự suy yếu về nhu cầu, chỉ số WCI của Drewry giảm mạnh nhất, giảm 8% trong tuần này, giảm hơn 1.000 USD và tỷ giá giao ngay xuống 11.192 USD/40ft. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự sụt giảm tỷ giá giao ngay có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi việc đóng cửa ở Trung Quốc giảm bớt, cho phép dòng chảy xuất khẩu thường xuyên hơn vào các bến cảng.
TIN TRONG NƯỚC
“Ông lớn” hàng hải muốn lập công ty chuyên về vận tải container
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết sẽ phát triển đội tàu container, tăng cường năng lực thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ logistics và các hãng tàu để tăng lợi thế về quy mô, phát triển thành đơn vị chủ lực trong hoạt động kinh doanh logistics. Tuy nhiên, để phát triển đội tàu container cần có hệ thống đại lý, nguồn hàng ổn định, VIMC đề xuất việc thành lập Công ty cổ phần mới vì thủ tục và thời gian thực hiện nhanh gọn, đơn giản hơn. Dự kiến, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Vận tải container VIMC tại thời điểm thành lập 2.041 tỷ đồng; trong đó, VIMC dự kiến góp vốn tại công ty cổ phần với tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ bằng tài sản được định giá tạm tính khoảng 1.041 tỷ đồng bằng 2 tàu container Vinalines Pioneer, Vinalines Diamond. Cổ đông là các cá nhân, tổ chức ngoài VIMC góp 1.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 49% sở hữu vốn).
Hơn 3.900 tỷ đồng nâng cấp hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam
Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam". Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu chính của dự án là đầu tư, cải tạo đồng bộ các tuyến sông, kênh qua 8 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TP. HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm phát triển 2 hành lang vận tải thủy nội địa phía Nam, gồm hành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam để phát triển vận tải thủy, kè bờ bảo vệ bờ các tuyến sông, kênh. Từ đó, góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với tuyến hiện hữu, qua đó giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, tăng năng lực cạnh tranh giữa đường thủy so với đường bộ.
Quy hoạch luồng sâu hơn cho khu vực Cái Mép
Theo Ban quản lý dự án Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ có kế hoạch chi 1.420.000 triệu đồng (62 triệu USD) để thực hiện nạo vét và mở rộng các luồng tiếp cận của Cái Mép, khu vực vệ tinh của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc nạo vét của dự án dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay. Dự án sẽ tăng độ sâu luồng từ 14,0 m lên 15,5 m và sẽ mở rộng luồng từ 310 m lên 350 m để thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận cỡ tàu megamax 20.000 teu lớn nhất thế giới. Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Cái Mép – Thị Vải được xếp hạng đặc biệt, được tập trung phát triển để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Miền Tây sẽ có cầu cảng 18 km vươn ra biển
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa. Cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, mục tiêu của Dự án Xây dựng cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Tổng diện tích khu vực dự án là 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ... Vị trí xây dựng dự án có thể giúp kết nối nhanh chóng tới các vùng lân cận trong và ngoài Sóc Trăng thông qua các tuyến đường: Quốc lộ 91B, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường ven biển, tuyến Bắc - Nam… Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 - 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực.
NGUỒN: BẢN TIN VLA
Địa chỉ trụ sở: 1086 Xa Lộ Hà Nội, Khu phố 5, Phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 1: Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 2: KCN Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.
Sđt: 0251 887 1409
Email: info@thongquan.com.vn
Xem thêm