Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, Logistics có vai trò thiết yếu trong hoạt động kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và bình thường hóa hậu đại dịch, liệu xu hướng phát triển ngành Logistics có gì thay đổi. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những cơ hội tiềm năng này một cách tốt nhất?
Thực trạng ngành Logistics Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đại dịch Covid-19 tái bùng phát đã tạo ra những nút thắt mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Á. Cụ thể, ngành này phải đối diện với sự gián đoạn, đứt gãy trên toàn chuỗi.
Chuỗi cung ứng hàng hóa xuất – nhập khẩu lẫn lưu thông trong nước đều bị ngưng trệ, đặc biệt là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội và “đóng biên”. Có đến 60% doanh nghiệp Logistics bị thu hẹp sản xuất, doanh thu giảm mạnh từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Ngoài ra, ngành Logistics đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động; sức khỏe, tinh thần và năng suất của đội ngũ nhân viên bị tác động do Covid-19. Trong bối cảnh hội nhập và bình thường hóa trở lại như hiện nay, đây chính là bài toán khó mà ban lãnh đạo cần khẩn trương đi tìm lời giải.
Bên cạnh đó, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ước tính cước vận tải biển trung bình của loại Container loại 40 feet đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tăng gấp 6 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, vận tải bằng đường sắt và hàng không đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc. Riêng trong năm 2021, vận tải hàng không quốc tế đã tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2020. Các hãng hàng không đã chủ động đưa ra phương án chuyển máy bay chuyên chở hành khách sang chở hàng hóa, đồng thời cho công ly Logistics thuê lại. Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đã khai thác các chuyến tàu liên vận đến Trung Quốc, Nga và các nước Liên minh châu Âu. Đối với các mặt hàng như điện tử, dệt may và nội thất, trung bình có 1 chuyến tàu/7 ngày.
Bên cạnh những thách thức này, các doanh nghiệp Logistics cũng đã nỗ lực để đảm bảo chuỗi cung ứng được hoạt động “trơn tru”. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng những công nghệ mới theo xu hướng phát triển ngành Logistics trên thế giới. Việc hội nhập Logistics quốc tế cũng tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: “Thị trường logistics Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.”
Xu hướng phát triển ngành Logistics trong năm 2022
Xu hướng phát triển công nghệ 4.0 và tự động hóa
Chuyển đổi số (số hóa) chuỗi cung ứng là việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình cung ứng, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, chủ động và đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn hơn. Cụ thể là xây dựng các hệ thống IoT (internet of things) gồm nhiều thiết bị đầu cuối cho phép truyền dữ liệu trong toàn bộ hệ thống như cảng biển, kho bãi,… mà không cần nhập data đầu vào một cách thủ công.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng các thành tựu như phương tiện tự động lái ứng dụng A.I (A.I self-driving vehicles), nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong Logistics, Blockchain,… Tại Việt Nam, theo xu hướng phát triển ngành Logistics, nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng nền tảng hệ sinh thái số và hệ thống ePORT giúp giải quyết nhanh chóng các hoạt động Logistics từ khai thác cảng cho tới giao nhận hàng hóa, dịch vụ, giải quyết hóa đơn – chứng từ,…
Xu hướng phát triển của Logistics trong thương mại điện tử
Theo Báo cáo “Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19“ của Lazada Việt Nam, thị trường bán lẻ thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, Logistics chính là yếu tố quan trọng mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Quy trình giao nhận hàng hóa được tối ưu cả về chất lượng dịch vụ và thời gian chính là động lực tăng trưởng của thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển ngành Logistics gắn liền với mua sắm trực tuyến cũng chính là yếu tố khiến sự cạnh tranh giữa các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Việc chủ động dịch vụ vận chuyển, xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống Logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa đã đáp ứng nhu cầu của người dùng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Từ đó, thúc đẩy khách hàng tiếp tục mua sắm trên các kênh trực tuyến.
Xu hướng phát triển của Logistics xanh
Cùng với xu hướng phát triển bền vững (Sustainable development), khái niệm Logistics xanh (Green Logistics) ngày càng được quan tâm. Logistics xanh được dùng để chỉ những chiến lược và phương thức quản trị các hoạt động phân phối có hiệu quả, từ đó nhằm giảm thiểu phát thải carbon, giảm tỷ trọng năng lượng không tái tạo (dầu mỏ, than đá, khí đốt), hạn chế ô nhiễm không khí và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Trên thực tế, ngành Logistics chưa thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng không tái tạo. Do đó, trong tương lai gần, xu hướng phát triển Logistics xanh tập trung vào việc tối ưu quy trình sản xuất, mua hàng, kho bãi và quản lý vận chuyển, từ đó giảm lãng phí nhiên liệu.
Lời kết
Nhìn chung, năm 2022 có thể mang lại những biến động bất ngờ. Tuy nhiên những xu hướng trên sẽ giúp giảm thiếu tối đa những thiệt hại trong chuỗi cung ứng. Từ đó góp phần phục hồi nền kinh tế, nâng cao tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng cũng như mang lại những yêu cầu mới đáp ứng được thị hiếu khách hàng.
Địa chỉ trụ sở: 1086 Xa Lộ Hà Nội, Khu phố 5, Phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 1: Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6, Tỉnh Đồng Nai.
Văn phòng giao dịch 2: KCN Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.
Sđt: 0251 887 1409
Email: info@thongquan.com.vn
Xem thêm